Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp


Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở quận 9 do Công ty bất động sản Nam Long làm chủ đầu tư.
Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở quận 9 do Công ty bất động sản Nam Long làm chủ đầu tư.
Dù chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đã được TP Hồ Chí Minh triển khai từ lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng dự án nhà ở diện này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính là... thiếu vốn.

Thiếu nguồn cung

Những ngày cận Tết vừa qua, trong khi nhiều công nhân phải tất bật lo chuyện tàu xe về quê thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nghệ An) lại khá thảnh thơi đi chợ sắm Tết, bởi năm nay vợ chồng chị đã có một căn nhà, một tổ ấm ở nơi mình làm việc. Anh Thanh, chồng chị Hoa, cho biết, năm 2014, anh được Công ty Sadeco (thuộc khu chế xuất Tân Thuận) bố trí cho vào ở tại khu nhà lưu trú. Căn hộ nhỏ nhưng cũng đủ phòng ngủ, bếp… đáp ứng được nhu cầu của một gia đình có hai vợ chồng và một con nhỏ. Các công nhân ở tại khu nhà lưu trú này còn được sử dụng tất cả các tiện ích như hát ka-ra-ô-kê, xem truyền hình hay đọc sách tại phòng sinh hoạt chung.
Căn nhà là mong muốn của nhiều công nhân, nhưng không phải ai cũng may mắn như vợ chồng anh Thanh, chị Hoa. TP Hồ Chí Minh hiện có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang hoạt động thu hút khoảng 250 nghìn lao động, trong đó, có đến 70% số người lao động có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Dự báo trong năm 2015, số lượng công nhân trong các KCN, KCX sẽ tăng đến khoảng 500 nghìn người. Thế nhưng, theo phê duyệt về xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của UBND thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015, nếu thực hiện hết các dự án cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chỗ ở của công nhân.
Không chỉ nhà lưu trú cho công nhân, các dự án nhà ở xã hội khác của TP Hồ Chí Minh hiện cũng rất thiếu so với nhu cầu sử dụng. Theo Sở Xây dựng, hết năm 2014, thành phố mới có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó sáu dự án được xây dựng do ngân sách đầu tư; bốn dự án còn lại do các chủ đầu tư xây dựng không sử dụng ngân sách, gồm: dự án nhà ở xã hội First Home Thạnh Lộc (quận 12) của Công ty cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O JSC), dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (quận 8), dự án nhà ở xã hội phường Thảo Điền (quận 2) và chung cư Lô A - Khu dân cư Lô số 4 (huyện Bình Chánh).
Chủ trương cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đến nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau hai năm, chỉ có 11 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng còn khiêm tốn. Kết thúc năm 2014, các ngân hàng mới ký kết hạn mức tín dụng được hơn 1.470 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng, trong đó đã giải ngân 658 tỷ đồng cho hai doanh nghiệp (DN) làm dự án và 393,83 tỷ đồng cho 1.444 cá nhân.

Khơi thông nguồn vốn từ gói 30 nghìn tỷ đồng

Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội ban đầu được đánh giá là hấp dẫn đối với người có thu nhập thấp, thế nhưng, những lo ngại về điều kiện được mua, vay, lo ngại về chất lượng đã khiến nhà ở xã hội dần trở nên yếu thế, không hấp dẫn người dân cũng như DN đầu tư xây dựng.
Ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân, đơn vị đang thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc bán các dự án nhà ở xã hội ra thị trường là khó chứng minh người thu nhập thấp, chậm giải ngân, các cơ quan nhà nước chậm xác nhận thực trạng nhà ở…
Về phía DN, cũng theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất là vốn. Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (do Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư) là một thí dụ. Đây là dự án nhà ở thương mại đầu tiên được chấp thuận cho chuyển đổi làm nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở của gia đình các cán bộ nhà nước và gia đình chính sách. Dự án gồm bốn bờ-lốc chung cư cao 24 tầng với 1.735 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Mặc dù thuộc diện được vay gói tín dụng để xây dựng nhà ở xã hội và nếu theo đúng cam kết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tái cấp vốn cho dự án khoảng 540 tỷ đồng từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2014, công ty mới giải ngân 186 tỷ đồng. Chừng ấy vốn không đủ để đầu tư, hoàn thành thi công xây dựng và đưa dự án vào sử dụng. Đến nay, dự án này mới xây đến tầng ba thì phải thi công cầm chừng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, khi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, nhà ở xã hội là tâm điểm chú ý khi gói tín dụng ưu đãi dường như chỉ tập trung vào phân khúc nhà giá thấp. Tuy nhiên, những ràng buộc về diện tích (dưới 70 m2) và giá bán (không vượt quá 15 triệu đồng/m2) đã khiến gói tín dụng chưa phát huy được tác dụng bởi số lượng bất động sản tồn đọng chủ yếu là diện tích lớn, giá bán cao. Tiếp đó, hàng loạt văn bản ra đời để đưa Nghị quyết của Chính phủ đi vào cuộc sống như cho phép chẻ nhỏ, cho phép chuyển đổi… nhưng cho đến thời điểm hiện nay, mọi việc gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia lý giải là do nguồn cung nhà ở phù hợp với điều kiện đặt ra không có, thủ tục xác nhận hồ sơ mua nhà tại địa phương nhiêu khê và thiếu cả sự quyết liệt của các địa phương…
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, DN chưa muốn đầu tư phân khúc nhà ở xã hội vì chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, đồng thời lợi nhuận thấp. Không thể bắt buộc DN mà cần có chính sách khuyến khích họ. Do vậy, Bộ đã đề nghị chính quyền các địa phương tạo điều kiện về quỹ đất, thủ tục pháp lý cho DN. Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để Chính phủ có những chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Muốn giải ngân nhanh được gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng thì thị trường cần một nguồn cung nhà ở xã hội rất lớn, nhất là nhà lưu trú cho công nhân cần được xây dựng nhiều hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét