Hiển thị các bài đăng có nhãn hop dong. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hop dong. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Rắc rối khi bán đất có “dính” nhà

0 nhận xét

Câu hỏi từ bạn đọc có nội dung:

Tôi bán một mảnh đất, có nhà. Khi tôi bán một phần mảnh đất, ngôi nhà không nằm trọn vẹn trên mảnh đất muốn bán mà có một phần còn trên mảnh đất còn lại.

Hai bên (tôi: bên bán; phía kia là bên mua) thỏa thuận: bên mua tạm thời sử dụng cả ngôi nhà đó, khi nào bên bán có nhu cầu thì bên mua sẽ tháo dỡ để trả lại mặt bằng.

Thế nhưng sau đó bên mua không những không tháo dỡ để trả lại mặt bằng như đã thỏa thuận mà còn ngăn cản không cho bên bán tháo dỡ.

Thỏa thuận giữa 2 bên bằng giấy viết tay, không qua công chứng và chỉ có 1 bản do bên mua giữ.

Nay tôi làm đơn đề nghị chính quyền can thiệp thì chính quyền yêu cầu tôi phải có giấy thỏa thuận nói trên.

Vậy tôi phải làm thế nào? (Xin nói thêm: Hiện mảnh đất chưa tách thửa tôi vẫn giữ sổ đỏ và từ khi giao nhà đất cho bên mua đến nay, họ không thực hiện việc nộp thuế nhà đất. Tôi, người đứng tên sổ đỏ vẫn thực hiện nghĩa vụ này từ nhiều năm nay!)

tiennghiaphuc10@...


Luật sư Nguyễn Thị Huỳnh trả lời:


Theo thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi chưa thể xác định được hợp đồng mua bán nhà đất giữa bạn và bên mua có được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hay chỉ mua bán bằng “giấy tay”. Do đó, chúng tôi giả định 2 trường hợp:

Trường hợp 1: hợp đồng mua bán nhà đất có lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng 2 bên chưa thực hiện thủ tục đăng ký biến động để tách thửa khu đất.

Trong trường hợp này, quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng. Do đó, bên mua có quyền sử dụng đối với 1 phần mảnh đất và có quyền sở hữu 1 phần ngôi nhà theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng công chứng. Bên bán vẫn có quyền sử dụng đối với mảnh đất còn lại và quyền sở hữu 1 phần ngôi nhà tương ứng trên mảnh đất còn lại này.

Vì vậy, nếu bên mua không tháo dỡ để trả lại mặt bằng của mảnh đất còn lại thì bạn có thể khởi kiện bên mua lên Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp 2: Việc mua bán không được thực hiện dưới hình thức ký hợp đồng công chứng mà chỉ thể hiện bằng “giấy tay”


Trong trường hợp này, việc mua bán nhà đất bằng giấy tay không có giá trị pháp lý. Do đó, về mặt pháp lý, bạn vẫn là chủ sở hữu của toàn bộ căn nhà. Vì vậy, bạn có thể khởi kiện bên mua lên Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.