Diaoconline360 - Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được mong đợi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam (VN). Tuy nhiên, việc bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh được quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo mới đây, theo nhận định của GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT - là “chúng ta đang lo cái khó có thể xảy ra”. Điều này cho thấy các nhà soạn luật đang lúng túng, quá dè dặt, chưa “mở” đã vội thắt!
Nhu cầu cao
Mark Thomas là một giám đốc điều hành tại một công ty đa quốc gia có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Mỗi năm Mark Thomas tới Việt Nam khoảng 3,4 lần và mỗi lần ở lại đây từ vài ngày cho tới vài tuần. Do nhu cầu đi lại khá thường xuyên nên Mark Thomas muốn đứng tên mua một căn nhà tại TPHCM. Tuy nhiên các quy định hiện tại không cho phép việc mua bán nhà đất của những người nước ngoài như Mark Thomas.
Mark Thomas chỉ là một trong số hàng ngàn người nước ngoài sẵn sàng đổ tiền vào bất động sản Việt Nam. Theo công ty tư vấn tiếp thị bất động sản quốc tế như Colliers Việt Nam, CBRE... ngay cả những lúc khó khăn nhất của thị trường khi “người trong muốn ra” thì các đơn vị tư vấn vẫn liên tục tiếp nhận nhu cầu “người ngoài muốn vào” của khách nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang rất trông đợi vào “luồng gió mới” từ nguồn cầu tiềm năng và sẵn sàng “chi đẹp” ở phân khúc cao cấp của các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Còn từ góc độ quản lý vĩ mô, dòng tiền từ người nước ngoài chính là nguồn lực tài chính quý giá, không cần dùng đến gói cứu trợ của nhà nước, mà vẫn không bóp méo thị trường.
Cầu có - cung sẵn sàng - đúng thời điểm, tất cả chỉ còn chờ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với chủ trương nới quy định trong sở hữu nhà đối với Việt kiều và người nước ngoài được thông qua.
Chưa mở đã siết
Tuy nhiên, trung tuần vừa qua, dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, quy định mang tính đột phá và đem lại hy vọng nhất cho thị trường: “Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam” đã không còn ở dự thảo.
Ngay lập tức, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) lên tiếng phản đối. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea cho rằng việc "siết" các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà đã làm hạn chế, thậm chí làm mất tác dụng của chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Bởi số người “đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng ngàn người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hơn nữa, quy định này cũng không “tiến bộ” bao nhiêu so quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam 6 tháng, 12 tháng trước đây.
VN đang chê tiền?
Trong một phiên họp Chính phủ cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã từng khẳng định, việc nới lỏng cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN được đánh giá là nguồn lực lớn để phá băng BĐS, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và giúp xử lý nợ xấu BĐS hiệu quả. Bộ trưởng Vinh đã thẳng thừng bày tỏ: “Chúng ta có tư duy trì trệ, sợ họ mua nhà rồi “chiếm” VN. Thực ra, khối BĐS bị tồn đọng mà tôi giải trình trước Quốc hội chủ yếu là căn hộ cao cấp. Nhiều biệt thự để trống mà số lượng người nước ngoài vào định cư ở VN khi ta hội nhập quốc tế đang tăng lên. Vì vậy, cớ sao không cho phép người nước ngoài được sở hữu ở VN?”.
Nhiều lãnh đạo các công ty tư vấn BĐS nước ngoài tại VN cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thận trọng tới mức dè dặt của dự luật được xem là rất cởi mở, thông thoáng này. Một chuyên gia nước ngoài thậm chí còn quan ngại, với dự luật mới đây nhất, “phải chăng VN đang chê tiền?” - ông này chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều doanh nhân nước ngoài có cơ sở kinh doanh tại nhiều nước, họ đến và ở, làm việc mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần, đi lại thường xuyên và có nhu cầu mua và sở hữu nhà tại VN rất lớn. Vì vậy, nếu loại bỏ quy định “chỉ cần điều kiện cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN thì có thể mua nhà và sở hữu nhà nếu có nhu cầu” như trong dự luật mới đây là “VN đang tự mình trói chân, trói tay mình” - ông nhận định.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8.2014, tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước vẫn ở mức cao, lên tới trên 82.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2013, mới chỉ có 126 trường hợp được mua, sở hữu nhà trên tổng số 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN.