Tại nhiều dự án chung cư trung và cao cấp, mặt bằng giá hiện cao hơn khoảng trên dưới 10% so với cùng kỳ năm 2013.
Giai đoạn nửa đầu năm, phân khúc căn hộ bình dân là phân khúc dẫn dắt thị trường khi có lượng giao dịch thành công lớn, thanh khoản tăng cao, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, hoặc chuẩn bị bàn giao, có giá bán hợp lý, vị trí tốt.
Chính điều này đã khiến cho các con số thống kê giao dịch bất động sản thành công tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, 11 tháng đầu năm 2014, tại khu vực Hà Nội, xấp xỉ 10.000 giao dịch bất động sản thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, con số này tại TP.Hồ Chí Minh là 8.850 giao dịch, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận của BizLIVE cho thấy, thời gian vừa qua, sau nhiều quý sôi động, sức nóng của thị trường căn hộ giá rẻ dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt tạm thời.
Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, thị trường đã đón nhận hàng loạt dự án thuộc phân khúc trung bình và giá rẻ bung hàng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến như: Dự án Đặng Xá (Gia Lâm) với 300 căn; Thăng Long Victory (Hoài Đức) với 500 căn hay dự án 89 Phùng Hưng (Hà Đông) với 336 căn,…
Nguồn tin từ một sàn giao dịch quy mô lớn ở Hà Nội cho biết, hiện cũng có khá nhiều dự án khác thuộc phân khúc này cũng đang rục rịch triển khai.
Tuy nhiên, cũng theo tiết lộ của đại diện kinh doanh sàn giao dịch này, thực tế bán hàng cho thấy, trong vài tháng gần đây, khách hàng hầu như không còn mấy “mặn mà” với phân khúc căn hộ giá rẻ, thể hiện rõ ở thanh khoản một số dự án có dấu hiệu chậm lại
Trong khi đó, trái ngược với phân khúc căn hộ giá rẻ, những diễn biến tại một số chung cư thuộc phân khúc trung và cao cấp lại cho thấy những tín hiệu hết sức khả quan.
Đại diện Hệ thống Sàn giao dịch bất động sản STDA cho biết, mặc dù nhiều dự án thuộc phân khúc cao cấp đã tăng giá nhưng vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của người mua, thanh khoản tốt.
Một báo cáo mới đây của Tổ chức tư vấn bất động sản quốc tế CBRE cho biết, hiện trên thị trường vẫn tồn kho khoảng 5.000 căn hộ cao cấp nhưng tại nhiều dự án mặt bằng giá cao hơn khoảng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điển hình như một số dự án tại khu vực quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng như Golden West, Royal City, Times City… có mức giá bán tăng trung bình khoảng từ 5 - 15%.
Các dự án cao cấp khác cũng đang trong tình trạng sắp hết hàng như: Mandarin garden (Trung Hòa Nhân Chính), Hoàng Thành Tower , Platinum Residence (6 Nguyễn Công Hoan), Watermark (Hồ Tây)... giá bán trên thị trường thứ cấp cũng tăng khá mạnh so với thời điểm trước.
Cùng với đó, một số dự án mới cũng được thị trường dành nhiều sự quan tâm như Mipec Tower, Goldmark City, D.’ Le Pont D’or (Hoàng Cầu), dự án căn hộ tại đường Nguyễn Chí Thanh…
Trao đổi với BizLIVE, lý giải về hiện tượng này, đại diện một số sàn giao dịch lớn ở Hà Nội cho biết, lý do khiến một số dự án cao cấp gây sốt thị trường Hà Nội thời gian qua là do chúng sở hữu những vị trí vàng, nơi có hệ thống hạ tầng tiện ích và dịch vụ xã hội hơn hẳn so với các dự án lân cận.
Theo ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch Hoàng Gia Group, không có nhiều lựa chọn cho người mua đối với các dự án cao cấp có vị trí tốt trong khu vực từ vành đai 3 trở vào khu nội đô thành phố.
Ông Cao tiết lộ, phải sang năm 2015, nguồn cung căn hộ cao cấp mới có triển vọng tăng trưởng do một số dự án cao cấp mới sẽ công bố hoặc chính thức khởi động.
“Đó cũng là lý do khiến cho một số dự án cao cấp tung hàng vừa qua đã nghiễm nhiên gây sốt thị trường Hà Nội”, ông Cao nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đầu tư bất động sản có hai vấn đề quan trọng là tiền và vị trí. Nếu chọn sai vị trí là sai bản chất gốc, những dự án đó sẽ chết.
Cũng theo ông Nam, trong thời điểm này chỉ những dự án tốt có hạ tầng mới bán được, doanh nghiệp sẽ phải trả giá khi xây dựng những dự án dù đẹp đến đâu nhưng đặt chơ vơ giữa cánh đồng, giao thông kém, dịch vụ, khu thương mại, trường học không có.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét